Đi sai làn đường, vạch kẻ đường có thể bị phạt tiền triệu

LÀN ĐƯỜNG, VẠCH KẺ ĐƯỜNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Vạch kẻ đường và làn đường là những khái niệm mà tài xế nào cũng phải nắm được. Ngay từ những ngày nhỏ, chúng ta – ai cũng được hướng dẫn đi đúng phần đường bên phải của mình. Đó là quy tắc bất di bất dịch khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, với hệ thống giao thông hiện đại ngày nay, vạch kẻ đường và làn đường có nhiều quy định mới. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

Tổng quan về làn đường và vạch kẻ đường

Làn đường là gì?

Tại khoản 3.22 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT có nêu rõ, làn đường là một phần của đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường và đủ bề rộng cho xe chạy an toàn. Đường giao thông có thể chia ra đường 1 chiều và đường 2 chiều. Tùy theo mật độ giao thông và địa hình mà sẽ phân đường 1 chiều hoặc 2 chiều. Và trên đường cũng có thể có 1 làn đường hoặc nhiều làn đường tùy vào diện tích mặt đường.

Một số biển báo phân làn cho từng loại xe

Biển số R.412a hướng dẫn làn đường dành cho xe khách

Biển số R.412b hướng dẫn làn đường dành cho xe con

Biển số R.412c hướng dẫn làn đường dành cho xe tải

Biển số R.412d hướng dẫn làn đường dành cho xe mô tô

Biển số R.412e hướng dẫn làn đường ưu tiên dành cho xe khách, xe bus

Biển số R.412f hướng dẫn làn đường dành cho xe con

Biển số R.412g hướng dẫn làn đường dành cho xe mô tô, xe thô sơ

Biển số R.412h hướng dẫn làn đường dành cho xe thô sơ

biển báo phân làn đường
biển báo phân làn đường

Các lỗi đi sai làn đường

Khi tham gia giao thông, lái xe nên quan sát kĩ các biển hiệu giao thông để tránh vi phạm. Câu nói mà chúng ta hay thường được nghe: anh đã đi sai phần đường, làn đường theo quy định. Vậy làm thế nào để biết chúng ta đã đi đúng phần đường, làn đường hoặc nhìn vào đâu để biết làn đường nào dành cho xe của chúng ta? Thật đơn giản, tất cả thông tin phân làn đường đã được thể hiện rõ trên bảng long môn. Ngoài ra, nếu không có bảng long môn, trên đường 1 chiều có nhiều làn thì nguyên tắc: xe thô sơ đi làn đường trong cùng bên phải; xe ô tô, mô tô đi làn đường bên trái.

Mức phạt lỗi đi sai làn đường cụ thể với các phương tiện như sau:

  • Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng (áp dụng theo Điểm c khoản 4, điểm b khoản 12 Điều 5 Nghị định 46 của Chính phủ).
  • Đối với xe máy: Phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng, trường hợp gây tai nạn giao thông sẽ bị tước GPLX từ 02 – 04 tháng (quy định tại Điểm g khoản 4, điểm c khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP)

Vạch kẻ đường là gì?

Vạch kẻ đường là vạch dùng để phân chia làn đường, thể hiện hướng đi hoặc vị trí dừng của phương tiện. Vạch kẻ đường có thể được sử dụng kết hợp với biển báo hiệu và đèn tín hiệu giao thông để tăng mức độ an toàn. Tuy nhiên, khi đi trên đường có nhiều thông tin hướng dẫn thì lái xe nên chấp hành theo thứ tự ưu tiên: đầu tiên là đèn tín hiệu, thứ 2 là biển báo và cuối cùng là vạch kẻ đường.

Các loại vạch kẻ đường theo quy chuẩn 41

Vạch kẻ đường có nhiều cách phân chia. Tuy nhiên, chúng ta có 2 cách chính để phân biệt: dựa vào vị trí sử dụng và dựa vào kiểu dáng.

Theo cách phân loại vị trí sử dụng, vạch kẻ đường được sử dụng ở mặt ngang (vạch kẻ trên mặt đường) và vạch kẻ đường được sử dụng ở mặt đứng (các trụ cầu, cột tiêu, rào chắn…). Ở đây chúng ta sẽ nói nhiều hơn về vạch kẻ đường sử dụng ở mặt ngang.

Theo cách phân loại kiểu dáng, vạch kẻ đường có dạng nét đứt, nét liền, có màu trắng hoặc vàng. Theo quy chuẩn cũ 41/2012 thì vạch kẻ đường màu trắng được sử dụng trong khu đô thị, vạch kẻ đường màu vàng được sử dụng ở cao tốc, quốc lộ. Còn theo quy chuẩn mới 41/2016, vạch kẻ đường màu trắng được sử dụng để phân các làn xe cùng chiều, vạch kẻ đường màu vàng được sử dụng để phân hai chiều xe chạy ngược chiều. Vạch kẻ đường có 8 kiểu dáng chính như sau.

Vạch đơn nét đứt màu vàng

Đây là vạch 1.1, dạng vạch kẻ đơn, nét đứt (có sự ngắt quãng giữa các nét), được sơn màu vàng. Vạch này được dùng để phân chia các làn xe ngược chiều trên đường không có dải phân cách cứng. Khi nhìn thấy vạch này, lái xe có thể đè vạch hoặc xi nhan xin chạy ở làn ngược chiều để vượt chướng ngại vật.

vạch kẻ đường 1.1 theo quy chuẩn 41
vạch kẻ đường 1.1 theo quy chuẩn 41
Vạch đơn nét liền màu vàng

Đây là vạch 1.2, dạng vạch kẻ đơn, nét liền, được sơn màu vàng. Vạch này được dùng để phân chia các làn xe ngược chiều trên đường không có dải phân cách cứng. Khi nhìn thấy vạch này, lái xe tuyệt đối không được lấn làn, đè vạch.

vạch kẻ đường 1.2 theo quy chuẩn 41
vạch kẻ đường 1.2 theo quy chuẩn 41
Hai vạch màu vàng nét liền song song

Đây là vạch 1,3, dạng vạch kẻ song song, nét liền, màu vàng dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều. Vạch này thường được dùng cho những đường có từ 4 làn trở lên, không có dải phân cách cứng. Khi nhìn thấy vạch này, lái xe tuyệt đối không được phép lấn làn, đè vạch.

vạch kẻ đường 1.3 theo quy chuẩn 41
vạch kẻ đường 1.3 theo quy chuẩn 41
Hai vạch màu vàng một đứt một liền

Đây là vạch 1.4, dạng hai vạch màu vàng một đứt một liền. Vạch này được sử dụng ở đường có ít nhất từ 2 làn xe chạy ngược chiều trở lên, không có dải phân cách giữa. Vạch này thường được thấy ở các đoạn đường cấm xe sử dụng làn ngược chiều theo một hướng nhất định để đảm bảo an toàn. Làn đường tiếp giáp với vạch đứt, được phép xi nhan chuyển sang làn ngược chiều, vượt chướng ngại vật. Làn đường tiếp giáp với vạch liền, tuyệt đối không được phép đè vạch, chuyển làn.

vạch kẻ đường 1.4 theo quy chuẩn 41
vạch kẻ đường 1.4 theo quy chuẩn 41
Hai vạch màu vàng nét đứt

Đây là vạch 1.5, dạng hai vạch màu vàng đều là nét đứt. Vạch này được sử dụng để xác định ranh giới làn đường có thể thay đổi hướng xe chạy theo thời gian. Hướng xe chạy trên làn đường có thể được hướng dẫn bởi công an giao thông, đèn tín hiệu hoặc biển báo.

vạch kẻ đường 1.5 theo quy chuẩn 41
vạch kẻ đường 1.5 theo quy chuẩn 41
Vạch đơn nét đứt màu trắng

Đây là vạch 2.1, dạng vạch kẻ đơn, nét đứt (có sự ngắt quãng giữa các nét), được sơn màu trắng. Vạch này được dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trên đường. Khi nhìn thấy vạch này, lái xe có thể xi nhan chuyển làn.

vạch kẻ đường 2.1 theo quy chuẩn 41
vạch kẻ đường 2.1 theo quy chuẩn 41
Vạch đơn nét liền màu trắng

Đây là vạch 2.2, dạng vạch kẻ đơn, nét liền, được sơn màu trắng. Vạch này được dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trên đường. Khi nhìn thấy vạch này, lái xe không được phép chuyển làn, đè vạch.

vạch kẻ đường 2.2 theo quy chuẩn 41
vạch kẻ đường 2.2 theo quy chuẩn 41
Vạch làn đường ưu tiên

Vạch làn đường ưu tiên gồm 2 loại: vạch trắng nét liền và vạch trắng nét đứt.

Vạch trắng nét liền dùng để hướng dẫn làn đường ưu tiên cho một loại phương tiện duy nhất, các phương tiện khác tuyệt đối không được phép đi vào.

Vạch trắng nét đứt dùng để hướng dẫn làn đường ưu tiên cho một loại phương tiện, các phương tiện khác có thể xi nhan được phép đi vào. Tuy nhiên, khi có phương tiện ưu tiên lưu hành, các phương tiện khác phải nhường đường.

Các lỗi đi sai vạch kẻ đường

Các lỗi đi sai vạch kẻ đường thường thấy: đè vạch; không tuân thủ vạch kẻ đường chỉ dẫn hướng đi (tại đoạn giao cắt, xe đi thẳng nhưng lại đi vào làn chỉ cho phép rẽ phải).

Tại các đoạn giao cắt, sẽ không còn phân chia làn đường theo loại phương tiện (làn đường ô tô, mô tô…) mà sẽ phân chia làn đường theo chỉ dẫn hướng đi (làn đi thẳng, làn rẽ phải, làn rẽ trái). Chính vì vậy, tại các đoạn giao cắt, lái xe nên tuân thủ chỉ dẫn hướng đi của biển báo, vạch kẻ đường.

Mức phạt lỗi đi sai vạch kẻ đường cụ thể với các phương tiện như sau:

  • Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 VNĐ
  • Người điều khiển mô tô sẽ bị phạt từ 60.000 – 80.000 VNĐ

Tags: , , , , ,